Chính phủ yêu cầu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập
(TBTCO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 2/4/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).

Hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập bộ, ngành trước 31/12

Chương trình hành động được ban hành nhằm mục đích tiếp tục quán triệt các chủ trương, yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Kết luận số 62-KL/TW; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, ĐVSNCL và nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm cao để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Chương trình hành động phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% ĐVSNCL so với năm 2021, bảo đảm các ĐVSNCL sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm, phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ; hiệu quả hoạt động được đánh giá dựa trên sản phẩm, kết quả công việc.

Chính phủ yêu cầu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập
Các ĐVSNCL tự chủ sẽ góp phần giảm gánh nặng từ ngân sách

Đối với bộ, ngành, Chính phủ yêu cầu phấn đấu giảm 13,5% số lượng ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành so với năm 2021, hoàn thành việc sắp xếp các ĐVSNCL trước 31/12/2024.

Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% ĐVSNCL giai đoạn 2015 - 2021 thì tiếp tục thực hiện việc sắp xếp để bảo đảm đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 20% ĐVSNCL so với năm 2015.

Đến năm 2023 giảm 15% chi trực tiếp từ NSNN cho ĐVSNCL

Đến năm 2030: Phấn đấu chỉ còn các ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2021 - 2025.

Các bộ, ngành, địa phương đã đạt mục tiêu giảm tối thiểu 20% ĐVSNCL giai đoạn 2015 - 2025 thì tiếp tục rà soát, đẩy mạnh sắp xếp để thu gọn đầu mối, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra đến năm 2030 theo yêu cầu tại Kết luận số 62-KL/TW.

Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Đối với bộ, ngành, phấn đấu đạt trên 60% ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.

Đến năm 2030: Phấn đấu chỉ còn các ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2021 - 2025.

Hoàn thiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực.

Ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Chính phủ yêu cầu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập
Đến năm 2030 giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế, tính công bằng xã hội và bảo toàn vốn ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo biên chế giáo viên.

Bộ Tài chính hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, làm cơ sở để các ĐVSNCL xây dựng Đề án tự chủ, báo cáo bộ, ngành, địa phương phê duyệt.

Bên cạnh đó, hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước theo cơ chế đặt hàng đối với các ĐVSNCL, trong đó hướng dẫn việc lập dự toán và cấp phát ngân sách nhà nước đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo số lượng học sinh, bảo đảm phù hợp với quy mô lớp học, làm cơ sở để thực hiện tự chủ một phần đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.

Về sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sắp xếp các ĐVSNCL theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó một ĐVSNCL có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập.

Đối với các bộ, ngành, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các ĐVSNCL phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành. Đối với các ĐVSNCL khác, yêu cầu các bộ, ngành chủ động xây dựng phương án chuyển về địa phương hoặc về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý.

Chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nội vụ, việc thực hiện chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần về cơ bản đã được các bộ, địa phương chủ động thực hiện triển khai. Hiện đã có 23 bộ, ngành, địa phương thực hiện thành công việc chuyển các ĐVSNCL thành công ty cổ phần; trong đó có 2 địa phương hoàn thành chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần nhiều nhất: Hậu Giang (6 đơn vị), Quảng Nam (9 đơn vị).

Tuy nhiên, việc chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần còn chậm, chỉ chiếm 24,2% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần giai đoạn 2017 - 2020.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương chưa bám sát với các quy định (7 địa phương ban hành Quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi khi chưa nhận được văn bản ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ)

 

(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)

Tin Mới
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
   THÔNG TIN LIÊN HỆ
  Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
  Sở Tài Chính tỉnh Nam Định
Giấy phép của Sở TT&TT số 22/GP-STTTT ngày 30/8/2017
  415 - Đường Hàn Thuyên -  Thành phố Nam Định - Tỉnh nam Định
  Tel: 0228.3637923
  Email: sotaichinh-namdinh@chinhphu.vn
  Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang