Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng
(TBTCO) - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Việc sửa Luật vừa được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024. Theo Bộ Tài chính, việc sửa luật nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế giá trị gia tăng.

Thu từ thuế giá trị gia tăng tăng đều qua các năm

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 3/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, qua 15 năm thực hiện, đã đạt được các kết quả quan trọng.

Trường hợp có rủi ro về thuế thuộc diện phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau. Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáng lưu ý, từ năm 2013 đến năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới, nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu NSNN.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu NSNN, cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế.

Cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), năm 2022 khoảng 24,5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Theo đó, số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và làm tăng giá bán ra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 3 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng, nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Cũng theo Bộ Tài chính, đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp mức biến động của giá và một số yếu tố khác cho phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội.

Quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Đồng thời, quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách.

Cùng với đó, cần phải nghiên cứu bổ sung quy định hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%; nghiên cứu sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư để xử lý bất cập phát sinh trong thực tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật Thuế GTGT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN” - Tờ trình gửi Chính phủ của Bộ Tài chính nêu rõ.

Bổ sung một số đối tượng được hưởng thuế suất 0%

Về cơ bản, dự thảo luật vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng
Dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.

Theo đó, dự thảo Luật: Giữ nguyên nội dung quy định tại 5 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh; thuế GTGT; đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế; phương pháp tính thuế. Dự thảo, bỏ 1 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ.

Một trong những quy định được dư luận quan tâm đó là về đối tượng áp dụng thuế suất 0%.

Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% như sau: Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để Luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật, gồm: Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan, xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Đồng thời, bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp. Việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của người nộp thuế.

Sửa luật nhằm khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển

Việc sửa Luật cũng nhằm khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan.

Đồng thời, bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

 

(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)

Tin Mới
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
   THÔNG TIN LIÊN HỆ
  Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
  Sở Tài Chính tỉnh Nam Định
Giấy phép của Sở TT&TT số 22/GP-STTTT ngày 30/8/2017
  415 - Đường Hàn Thuyên -  Thành phố Nam Định - Tỉnh nam Định
  Tel: 0228.3637923
  Email: sotaichinh-namdinh@chinhphu.vn
  Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang