Sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công
(TBTCO) - Chiều 23/1, phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhấn mạnh, năm 2024, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, chủ động tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để tránh bị động trong triển khai chính sách.

Các bộ, ngành cùng vào cuộc quản lý, điều hành giá

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, lãnh đạo một số địa phương - thành viên Ban Chỉ đạo đã tham góp ý kiến, đưa ra nhận định và kiến nghị điều hành giá năm 2024.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, thị trường hàng hóa sôi động hơn, hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động lớn. Một số mặt hàng tiêu thụ chậm và sức mua giảm so với các năm.

Sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá: Chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 tăng 3,25% là thành công rất lớn trong điều hành. Ảnh: Đức Minh.

“Ngành Công thương đã ban hành Chỉ thị các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, đã chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động vào cuộc bình ổn giá; chủ động xây dựng các kịch bản, bình ổn thị trường, kết nối cung cầu; tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại” - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói.

Theo đó, tại các địa phương đã tổ chức các hội chợ tết, giới thiệu các sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa cho người dân dịp cuối năm.

Kiến nghị các giải pháp điều hành giá thời gian tới, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, cần đặc biệt chú ý điều hành giá lương thực, thóc gạo trong nước do ảnh hưởng bởi xuất khẩu, dự báo sẽ neo ở mức cao. Đồng thời, việc tăng lương ảnh hưởng tâm lý tăng giá; giá nguyên liệu trên thị trường dự báo tăng ảnh hưởng tới trong nước. Tuy nhiên, nguồn cung hàng nông sản khá dồi dào, giá cả ổn định. Cùng với đó, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định.

Năm 2024, dự báo giá dầu thô quý 1/2024 khoảng 81 USD/thùng. Dự kiến quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng. Tháng 6/2024 giá dầu thô khoảng 86 USD/thùng...

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công thương trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu điều hành lạm phát.

Đối với mặt hàng điện, kịch bản điều hành giá điện năm 2024 đã được xây dựng. Bộ Công thương hướng dẫn EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định. Việc điều hành tăng giá điện vào cuối năm 2023, chưa tính chênh lệch tỷ giá lũy kế đến nay là hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho rằng, năm 2023 dù nhiều áp lực nhưng đã kiểm soát lạm phát thành công.

Về phía NHNN, năm 2023 đã tranh thủ diễn biến thuận lợi, đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. NHNN đã giảm lãi suất liên tục 4 tháng, tích cực giảm chi phí vốn vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, “áp lực tỷ giá năm 2023 là có”, nên NHNN điều hành tỷ giá hợp lý, cơ bản ổn định trong cả năm.

Về tín dụng, năm 2023 do kinh tế khó khăn, có thời gian tăng trưởng tín dụng chậm, nhưng tính chung cả năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 13,7%, tương đối sát mục tiêu, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

“Sang năm 2024, có nhiều áp lực cho lạm phát, như tăng trưởng vòng 2 của giá nguyên liệu, nhiên liệu; lộ trình cải cách tiền lương, dịch vụ công... gây áp lực lên lạm phát. Trên thị trường quốc tế, giá dầu cũng là một ẩn số, tạo áp lực lên lạm phát. Dự báo, lạm phát năm nay không quá lớn” - Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nói.

NHNN đã đề nghị các bộ, ngành cần chủ động theo dõi sát giá cả hàng hóa, có giải pháp kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá để kịp thời có giải pháp phù hợp.

“Việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu là hết sức quan trọng trong đó có giá xăng dầu. Điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý phải linh hoạt, kịp thời và đánh giá kỹ tác động. Cùng với đó, công tác truyền thông là hết sức quan trọng, giúp góp phần điều hành lạm phát nói chung” - Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, ngành Công thương đã chủ động các phương án bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Đức Minh.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024 dự kiến sẽ đưa chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý vào giá khám chữa bệnh. Chi phí khấu hao tính đủ từ năm 2025 trở đi. Việc chưa tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, trong khi nhiều bệnh viện đã tự chủ, làm ảnh hưởng tới hoạt động của bệnh viện. Việc tính đúng, tỉnh đủ các chi phí vào giá khám chữa bệnh cần được các cơ quan quản lý đánh giá kỹ tác động trước khi trình Ban Chỉ đạo.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo: 3 năm qua, dịch vụ giáo dục không tăng, đặc biệt giáo dục đại học không tăng giá, gây hệ lụy lớn, trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá. Việc kéo dài không tăng giá sẽ có thể gây khó cho các trường cũng như ảnh hưởng tới chất lượng.

3 kịch bản do Bộ Tài chính đề xuất, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nên điều hành tiệm cận với mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2023 giá thịt lợn giảm do cung tốt, thịt tăng 3,5%, xuất khẩu thủy giảm, nhu cầu về thịt của người dân giảm nên giá giảm. Người chăn nuôi đang băn khoăn có tiếp tục chăn nuôi hay không. Bộ đã chỉ đạo tăng năng suất vụ Đông đối với lúa trong bối cảnh giá thóc gạo tăng.

Năm 2024, giá gạo khả năng nhu cầu tăng, chúng ta chủ động sản xuất, có thể xuất khẩu hơn 8 triệu tấn, đảm bảo mức duy trì xuất khẩu nhưng dự báo giá neo ở mức cao.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, năm 2024 các bộ, ngành cần chủ động xây dựng kịch bản, phương án chi tiết, theo từng mặt hàng, tại thời điểm và mức tăng, từ đó Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét kịp thời, chủ động, linh hoạt, tránh trùng vào cùng một thời điểm. Tổng cục Thống kê trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng từng tháng, sẽ đề xuất, không để quá an toàn, cũng không được quá cao để ảnh hưởng tới người dân.

Tiếp tục chủ động, linh hoạt hơn nữa trong điều hành

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành giá, dù gặp nhiều áp lực trong điều hành đến từ trong nước và ngoài nước, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đây là thành công rất lớn, góp phần làm nên thành công kép khi lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế là điểm sáng trong khu vực. Công tác điều hành giá đã sát, đúng, điều hành linh hoạt, hiệu quả theo đúng mục tiêu đề ra” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Sớm lên phương án, lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Minh.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong công tác điều hành cần phải nỗ lực hơn nữa. Trong đó, phải quyết liệt, theo sát trong điều hành để có phương án cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng, xin ý kiến các cấp, các ngành, đặc biệt trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục. Đồng thời, phải tăng cường, kiểm tra, kiểm soát giá nguyên vật liệu xây dựng, giá hàng hóa thiết yếu...

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phải linh hoạt, kịp thời, tạo dư địa cho kiểm soát lạm phát, nhưng không gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Đối với năm 2024, với mục tiêu đề ra tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% và kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng ở mức 4 - 4,5%. Bộ Tài chính đã có đánh giá cụ thể từng mặt hàng, Phó Thủ tướng đề nghị cần rà soát kỹ lại và có phương án điều hành cụ thể.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “chủ động”, “linh hoạt” trong điều hành. Bởi chỉ có dự báo tốt, theo sát thị trường mới lên phương án sát với thực tế và chủ động điều hành, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý với mức độ và liều lượng phù hợp.

Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường giá cả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền.

Đáng lưu ý, cần chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, sớm chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng để tránh bị động trong triển khai chính sách. Phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI để từ đó thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá năm 2024.

Trong năm 2024, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt đảm bảo kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá tại các cuộc họp định kỳ Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả./.

Đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, tránh lạm phát kỳ vọng

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác truyền thông, vai trò của các cơ quan báo chí thời gian qua đã đóng góp tích cực vào công tác chỉ đạo, điều hành giá. Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng.

 

(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)

Tin Mới
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
   THÔNG TIN LIÊN HỆ
  Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
  Sở Tài Chính tỉnh Nam Định
Giấy phép của Sở TT&TT số 22/GP-STTTT ngày 30/8/2017
  415 - Đường Hàn Thuyên -  Thành phố Nam Định - Tỉnh nam Định
  Tel: 0228.3637923
  Email: sotaichinh-namdinh@chinhphu.vn
  Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang