Thách thức điều hành chính sách tài khóa năm 2024
(TBTCO) - Việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023 đã tạo đà cho năm 2024. Tuy nhiên, tình hình thế giới vẫn biến động mạnh, khó lường, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm; các doanh nghiệp còn khó khăn do thị trường bị thu hẹp; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước... là những thách thức trong việc điều hành chính sách tài khóa năm 2024.
Thách thức điều hành chính sách tài khóa năm 2024
Nguồn: Nghị quyết của Quốc hội. Đồ họa: Văn Chung

Những tồn tại khó giải quyết “một sớm một chiều”

Trong báo cáo tổng kết năm 2023 của Bộ Tài chính đã nêu rõ một số hạn chế, khó khăn và nguyên nhân của những tồn tại đó. Cụ thể, tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn một số địa phương đạt thấp so dự toán, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý đảm bảo cân đối ngân sách.

Ngoài ra, giải ngân vốn chi đầu tư phát triển, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm. Việc khắc phục tồn tại một số lĩnh vực (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm) đã đạt kết quả tích cực, song còn rủi ro, bất cập.

Tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công

Công tác quản lý chi NSNN tiếp tục chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công; chú trọng đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính...

Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn đó là do tình hình thế giới biến động mạnh, khó lường, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, xung đột chính trị, cạnh tranh nước lớn, nợ công một số nước tăng mạnh, bất ổn trên các thị trường tài chính tiền tệ... tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta. Hoạt động của một bộ phận các doanh nghiệp còn khó khăn do thị trường bị thu hẹp.

Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất chưa được tính trong dự toán, tác động làm giảm nguồn thu NSNN. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư chưa chủ động, vướng mắc trong việc phê duyệt dự án đấu thầu, đấu giá, giải phóng mặt bằng,...

Đây cũng chính là những tồn tại không phải dễ giải quyết trong “một sớm một chiều”. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Sỹ Cường, năm qua Bộ Tài chính đã thành công khi “chèo lái” điều hành chính sách tài khóa vượt qua thách thức; đồng thời vẫn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong điều hành. Đó là số thu của một số khoản thu quan trọng giảm so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. “Dù thu NSNN đến cuối năm vượt so với dự toán đề ra, nhưng trong năm, do chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí; một số ngành, lĩnh vực suy giảm đã đã tác động làm giảm thu ngân sách” - ông Vũ Sỹ Cường nói.

Cân nhắc nới lỏng chính sách tài khóa

Thách thức điều hành chính sách tài khóa năm 2024

Năm 2024, Quốc hội quyết định: Tổng thu NSNN là 1.700,9 nghìn tỷ đồng. Tổng chi NSNN là 2.119,4 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN (bao gồm cả phần cho chương trình phục hồi) là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn, khi kinh tế Việt Nam có độ mở cao, kinh tế thế giới tiếp tục được dự báo tăng trưởng chậm lại, có nguy cơ suy thoái.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự báo năm 2024 sẽ là năm khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề. “Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên. Trong đó, mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được ưu tiên hàng đầu” - người đứng đầu ngành Tài chính nhận định.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, cơ quan tham mưu nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới…

Phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, phù hợp thực tiễn

Để đạt được mục tiêu tài chính - NSNN, trong năm 2024, theo các chuyên gia kinh tế, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhận diện kịp thời các rủi ro. Từ đó, có các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ...

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh tăng trưởng giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2023-2025 khoảng 6 - 7% là “nhiệm vụ bất khả thi”. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 1,8%, trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào cầu bên ngoài, chi tiêu trong nước và lạm phát.

Ngoài ra, năm 2024 dự báo còn đối mặt với nhiều khó khăn, như: lãi suất khó giảm tiếp, cơ hội giảm lãi suất trong năm 2024 là rất nhỏ; thị trường trái phiếu đang chững lại và xử lý nợ xấu.

Trong năm 2024, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - NSNN, theo TS. Vũ Sỹ Cường, cần tăng tổng cầu bằng đầu tư công, cần có quy chế rõ hơn về thưởng phạt để rõ hơn trách nhiệm; kích cầu tiêu dùng nội địa qua cho vay mua nhà; tăng lương cho cán bộ công nhân viên; xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí.

Đối với các giải pháp về tăng cung, cần cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khu vực dịch vụ. Đồng thời, chính sách tài khóa tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, phối hợp trong việc điều tiết cung tiền như kế hoạch vay nợ công, giải ngân vốn đầu tư công…

Ngoài ra, cần bám sát tình hình thực tiễn; làm tốt công tác phân tích, dự báo để phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, coi đây là những giải pháp mang tính đột phá, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, lấy lại đà tăng trưởng.

(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)

Tin Mới
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
   THÔNG TIN LIÊN HỆ
  Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
  Sở Tài Chính tỉnh Nam Định
Giấy phép của Sở TT&TT số 22/GP-STTTT ngày 30/8/2017
  415 - Đường Hàn Thuyên -  Thành phố Nam Định - Tỉnh nam Định
  Tel: 0228.3637923
  Email: sotaichinh-namdinh@chinhphu.vn
  Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang