Cải cách hành chính và đồng bộ chính sách - Giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
(TBTCO) - Theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn như trong quý I/2023, khi có đến 60.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ những rào cản chi phí trong kinh doanh là điều cấp thiết.

Doanh nghiệp lao đao gia tăng chi phí vì thủ tục hành chính

Trước thực tế số doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1/2023 là 33.905 doanh nghiệp (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022), TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ rào cản hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cải cách hành chính và đồng bộ chính sách - Giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ chính sách- Giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Ảnh: TL

TS. Minh Thảo thẳng thắn chỉ ra, các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp; quyền tự do kinh doanh trên thực tế vẫn chưa thực sự được bảo vệ. Trên thực tế, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có những bất cập chính sách. Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan. Nhìn chung, nhiệm vụ này từ 2022 chưa có nhiều chuyển biến.

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, bất cập chính sách khiến nhiều doanh nghiệp không thể điều chỉnh lịch sản xuất giữa nội địa và xuất khẩu, không thể gánh được chi phí gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu và buộc phải hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu sang một số thị trường.

Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cũng cho rằng, còn nhiều bất cập trong quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Trên thực tế, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học…

Đơn cử, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; áp đặt điều kiện quá mức cần thiết và làm tăng đáng kể chi phí của doanh nghiệp. Chẳng hạn như yêu cầu công trình, nhà xưởng phải được sơn chống cháy khiến một doanh nghiệp đầu tư 2,8 tỷ đồng xây nhà kho phục vụ hoạt động logistics, nhưng chỉ riêng chi phí cho phòng cháy chữa cháy đã lên tới 1 tỷ đồng (bằng gần 1/3 giá trị công trình). Khảo sát ở một số địa phương cho thấy các doanh nghiệp sản xuất, trung bình đầu tư sơn chống cháy làm tăng 20% giá thành nhà xưởng.

Một ví dụ khác là bất cập tại quy định Nghị định số 09/2016/NĐ-CP tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Nghị định này quy định: Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt (áp dụng từ 15/3/2017) và bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (áp dụng từ 15/3/2018).

Theo phản ánh của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, các quy định này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm gia tăng chi phí quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Có doanh nghiệp chế biến thực phẩm mỗi năm chi phí tăng thêm hơn 39 tỷ đồng do quy định này; như vậy qua 6 năm, chi phí lên tới 235 tỷ đồng (chưa tính chi phí cơ hội về vốn).

Bất cập chính sách khiến nhiều doanh nghiệp không thể điều chỉnh lịch sản xuất giữa nội địa và xuất khẩu, không thể gánh được chi phí gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu và buộc phải hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu sang một số thị trường.

Đồng bộ trong chính sách giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển

Đề cập đến giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển, không phải rút khỏi thị trường như trong quý I/2023, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, lĩnh vực xây dựng đang chịu ảnh hưởng rất lớn của sự suy giảm kinh tế thế giới, thị trường bất động sản trong nước gặp khó khăn, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng phải bỏ “cuộc chơi” chưa có thống kê nhưng số lượng không ít.

Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp xây dựng mong muốn hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản được đồng bộ, tránh chống chéo để các dự án có thể vận hành.

Lĩnh vực đầu tư bất động sản hiện có khoảng 12 luật tác động trực tiếp, trong khi đó các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất nên các dự án, các doanh nghiệp và các cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó, không biết phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo này.

Cải cách hành chính và đồng bộ chính sách - Giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Đồng bộ trong chính sách giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển. Ảnh: TL

“Luật Quy hoạch đô thị thì quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Như vậy chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất. Hay Luật Kinh doanh bất động sản Điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhưng ở Luật Đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận” - ông Nguyễn Quốc Hiệp dẫn chứng.

Đồng thuận với tâm tư của doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cũng cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng ổn định và đồng nhất chính sách, tránh chồng chéo cũng là điều kiện tốt để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển, thoát cảnh nợ nần, rút khỏi thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Quốc Hiệp chia sẻ, hiện nay liên quan đến đầu tư bất động sản mật thiết nhất là các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Các luật này dự kiến được thông qua trong năm 2023 và sẽ có hiệu lực trong năm 2024. Đây là những đạo luật có tác động tạo ra lực đẩy cho thị trường bất động sản về mặt hành lang pháp lý. Doanh nghiệp đều mong muốn có một hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thông thoáng cho công việc kinh doanh, đầu tư...

“Ngoài ra cũng phải thấy là tính ổn định của hệ thống pháp luật cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới việc khuyến khích các dự án lớn yên tâm đầu tư. Ví dụ có những doanh nghiệp đầu tư cả một khu công nghiệp gang thép với ý đồ xây dựng cho nền công nghiệp thép của Việt Nam nhưng như vậy các chính sách liên quan phải đảm bảo được tính ổn định thì chủ đầu tư mới yên tâm đầu tư. Mặt khác chúng tôi cho rằng trong hệ thống luật cần cố gắng cụ thể và chi tiết hoá để giảm bớt hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn” - ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

“Sang năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế nước ta bên cạnh những thuận lợi thì sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn” - TS. Nguyễn Minh Thảo bày tỏ quan điểm.

(Theo Thoibaotaichinh.vn)

Tin Mới
Đăng nhập
  • Tên đăng nhập
  • Mật khẩu
  • Hiển thị mật khẩu
  • Mã kiểm tra
  • Quên mật khẩu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
   THÔNG TIN LIÊN HỆ
  Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
  Sở Tài Chính tỉnh Nam Định
Giấy phép của Sở TT&TT số 22/GP-STTTT ngày 30/8/2017
  415 - Đường Hàn Thuyên -  Thành phố Nam Định - Tỉnh nam Định
  Tel: 0228.3637923
  Email: sotaichinh-namdinh@chinhphu.vn
  Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang