Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng dự toán của cơ quan, đơn vị, địa phương mình phải rà soát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, dành nguồn lực cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bổ sung vốn chi đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế, phấn đấu tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đầu tư phát triển.
 |
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung |
Giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 60%
Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chúng ta có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Như vậy đã rõ quyết tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đặc biệt, đất nước đang triển khai đồng bộ các giải pháp lớn từ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng đến việc giảm chi thường xuyên nhằm có thêm nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình hạ tầng trọng điểm có vai trò tạo động lực bứt phá cho kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng chi ngân sách năm 2025 khoảng 2,5 triệu tỷ đồng
Dự toán tổng chi ngân sách nhà nước năm 2025 khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, đã bao gồm số sử dụng từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư đến hết năm 2024 chuyển sang để bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
|
Cụ thể tại Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025, trong đó có mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Chính phủ giao Bộ Tài chính mục tiêu đưa tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN năm 2025 dưới 60%.
Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát các chính sách, nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đang khẩn trương hướng dẫn thêm tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2025 so với năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đồng thời, ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng NSNN cho chi đầu tư phát triển, hạn chế tối đa việc trình bổ sung cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. Kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên đã bố trí dự toán đầu năm cho các bộ, cơ quan trung ương nhưng chậm phân bổ, giải ngân (kể cả các chương trình mục tiêu quốc gia).
Tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đầu tư phát triển
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sớm báo cáo cấp có thẩm quyền phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi năm 2024 trong tháng 2/2025, trong đó ưu tiên sử dụng (sau khi đã trích 40% để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW) cho các dự án đầu tư công bảo đảm khả năng giải ngân trong năm 2025. Đồng thời, phối hợp với các địa phương căn cứ Kết luận số 97-KL/TW của Trung ương về kinh tế - xã hội 2024 - 2025 và Nghị quyết số 159/2024/QH của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025 rà soát sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của địa phương để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia tại địa phương.
Trên thực tế, việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên đã được Bộ Tài chính thực hiện ngay từ khâu hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN từ nhiều năm nay cũng như trong năm 2025.
Bộ Tài chính đã chủ động ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành các hướng dẫn, quy định yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng dự toán của cơ quan, đơn vị, địa phương mình phải rà soát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai,... Trên cơ sở đó, dành nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bổ sung vốn chi đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế, phấn đấu tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đầu tư phát triển.
Với yêu cầu như vậy, dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2025 được Quốc hội thông qua sau khi đã đảm bảo bố trí cho các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh, các chế độ chính sách và nhiệm vụ quan trọng không thể cắt giảm thì các nhiệm vụ thường xuyên khác cơ bản chỉ bằng hoặc giảm so với dự toán 2024. Dự toán năm 2025 được Quốc hội phê duyệt, tỷ lệ chi thường xuyên/tổng chi NSNN năm 2025 là khoảng 61%. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu loại trừ số kinh phí bố trí tiền lương, lương hưu, an sinh xã hội (tính cùng mặt bằng năm 2024) thì tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ năm 2024, ở mức dưới 55%.
Để đạt các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính quán triệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, thực hiện nghiêm pháp luật thu - chi NSNN. Trong đó, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trong bối cảnh thu ngân sách còn gặp nhiều thách thức, thì quản chặt chi tiêu ngân sách sẽ càng có ý nghĩa hơn.
(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)