Bội chi giảm song vẫn đảm bảo nguồn lực cho chương trình phục hồi

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5, trình bày báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2022, tình hình triển khai dự toán NSNN năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2022 đạt khả quan hơn so với báo cáo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Trong đó, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển KTXH.

anh tin bai

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng trình bày báo cáo

 Kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán), mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Bên cạnh những mặt đạt được, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng nêu rõ một số khó khăn, hạn chế như công tác triển khai dự toán chi NSNN một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm, phân bổ, kéo dài; triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân còn thấp; việc ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong việc thanh toán, quyết toán một số khoản kinh phí, xử lý tài sản, viện trợ, tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn chậm…

Nguyên nhân của những hạn chế này là do trong quá trình điều hành tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng không thuận lợi như áp lực tăng tỷ giá, lãi suất, lạm phát; nguyên nhiên liệu đầu vào,... khiến nhiều dự án bị chậm, tăng vốn, đội vốn...

Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.

Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; giảm bội chi NSNN so với dự toán và báo cáo Quốc hội, trong khi vẫn đảm bảo được nguồn lực cho chương trình phục hồi và bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho 5 dự án đường bộ cao tốc được chuyển từ vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN của VEC và VIDIFI theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nợ công giảm và thấp hơn mức trần ngưỡng cảnh báo quy định tại Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục cơ cấu bền vững nợ công.

Đề xuất, ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Về tình hình phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2023, dự toán NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết định với: tổng số thu là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tổng số chi là 2.076,2 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng (4,42%GDP).

Căn cứ nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2023 cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quyết định dự toán thu cân đối NSNN trên địa bàn là 1.851,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,51% (56,3 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; chi cân đối ngân sách địa phương (không bao gồm các khoản chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương) là 1.105,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% (84,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng giao.

Thu ngân sách tích cực, đảm bảo nguồn lực cho phục hồi kinh tế, đầu tư phát triển

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm, tổng thu NSNN đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán, giảm 6,9% so cùng kỳ năm 2022.

Chính phủ đã trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (tác động làm giảm thu khoảng 38 nghìn tỷ đồng, chưa được tính trong dự toán thu NSNN năm 2023).

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; số giảm sẽ được cấn trừ vào số phải nộp năm 2023 (tác động làm giảm thu NSNN khoảng 3.500 tỷ đồng); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 (tác động làm giảm thu trong thời gian gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng).

Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Theo đó, xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% (dự kiến thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm tác động giảm thu NSNN khoảng 35 nghìn tỷ đồng).

Tổng chi NSNN 4 tháng ước đạt 500,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2022, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 15,2% dự toán Quốc hội, tăng 15,6%; chi trả nợ lãi đạt 33% dự toán, giảm 3,3%; chi thường xuyên đạt 30,3% dự toán, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2022.

Các nhiệm vụ chi NSNN được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thanh toán các khoản nợ đến hạn, chi cho công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 30/4/2023, đã thực hiện phát hành 139,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,26 năm, lãi suất bình quân 3,93%/năm.