Cơ quan thuế, hải quan tiên phong chuyển đổi số

Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) - PAR Index đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.

Về cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC), tính đến ngày 2/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành 6 quyết định: công bố bãi bỏ 40 TTHC, sửa đổi, bổ sung, thay thế 24 TTHC và ban hành mới 10 TTHC trong lĩnh vực thuế, bảo hiểm, công sản, kho bạc. Đến nay, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 765 TTHC. Trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực kho bạc là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 183 TTHC.

Công chức cần tư duy số để thực hiện chuyển đổi số

"Đào tạo và thay đổi tư duy của công chức cũng là một thách thức đối với ngành Tài chính. Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận công chức chưa có tư duy số, nếu không thay đổi kịp thời sẽ trở thành rào cản của quá trình chuyển đổi số" - PGS.TS Lê Xuân Trường

Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tính đến ngày 2/4/2024, số DVCTT của Bộ Tài chính là 765, trong đó: 383 DVCTT toàn trình, 123 DVCTT một phần và 259 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Trong đó, các lĩnh vực thuế, hải quan luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.

Hiện, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, với 100% chi cục thuế trực thuộc và trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Bên cạnh đó, ngành Hải quan ghi nhận 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia...

Kết quả chuyển đổi số của ngành Thuế và Hải quan đã góp phần đắc lực trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương và quốc gia; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tăng tốc xử lý công việc, giảm chi phí

Chuyển đổi số giúp tiết giảm chi phí, tiết kiệm thời gian

Tại các diễn đàn đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan thuế, hải quan đã đưa ra thông điệp về tiếp tục chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.

Theo đó, cơ quan thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Định hướng chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025, ngành Thuế phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý Nhà nước.

Trong giai đoạn tới, ngành Thuế sẽ triển khai xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro. Các dịch vụ thuế điện tử sẽ tiếp tục mở rộng đồng thời triển khai Chatbot hỗ trợ người nộp thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế mở rộng bản đồ số hộ cá nhân kinh doanh và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh...

Đối với ngành Hải quan, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hệ thống quy trình thủ tục hải quan sẽ được tái thiết kế, để làm cơ sở để xây dựng mô hình hải quan số theo kiến trúc chính phủ số, hải quan thông minh, với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao.

Tại một diễn đàn gần đây, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), đã nhận định khó khăn trong chuyển đổi số mà ngành Thuế và Hải quan đang gặp phải và phải vượt qua trong thời gian tới là cần phải thay đổi nhận thức của cả hệ thống, có tư duy số thì mới chuyển đổi số được thành công.

PGS.TS Lê Xuân Trường cho biết, câu chuyện cơ quan thuế đã đạt mục tiêu ở khu vực doanh nghiệp về khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, nhưng đối với người dân vẫn đặt mục tiêu đạt 80% - 90% đến năm 2030 là một thách thức. Vì vậy, cần phải nâng mặt bằng tư duy của toàn xã hội, ví như thủ tục hành chính về điện tử giữa cơ quan hải quan và cơ quan thuế là thủ tục liên quan giữa cơ quan nhà nước và người dân, nhưng nếu người dân không sẵn sàng thì khó triển khai được.

Hệ sinh thái tài chính số làm hài lòng doanh nghiệp

Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái tài chính số gắn với các chỉ tiêu cụ thể để mang lại sự hài lòng, đồng thuận cho đối tượng thụ hưởng...

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chuyển đổi số đã tạo ra sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức xử lý công việc và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của hầu hết các đơn vị trong ngành Tài chính. Đến nay, phần lớn hoạt động chỉ đạo, điều hành tại Bộ Tài chính đã được thực hiện trên môi trường số. Như vậy, ngành Tài chính đã chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực thuế, tính đến cuối năm 2023, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 100% cục thuế và chi cục thuế. Đã có hơn 99% số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế. Về hóa đơn điện tử, tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là khoảng hơn 7 tỷ hóa đơn. Đã có 84 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài.

Tại một cuộc hội thảo, ghi nhận sự quyết tâm và tinh thần đổi mới sáng tạo ngành Tài chính, ông Nguyễn Bắc Hà - Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho biết nỗ lực cải cách mô hình quản lý phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoàn thành các thủ tục hành chính; giảm bớt quá trình giao dịch trực tiếp giữa cán bộ ngành Thuế và Hải quan với người dân và doanh nghiệp; tỷ lệ các thủ tục hành chính qua nền tảng trực tuyến ngày càng tăng và làm doanh nghiệp ngày càng hài lòng.

Theo ông Nguyễn Bắc Hà, cùng với những cải cách mang tính đột phá, công cuộc chuyển đối số trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đạt được những cơ sở quan trọng ban đầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số vẫn còn ở phía trước, đòi hòi sự vận động chuyển mình liên tục của các cơ quan nhà nước.

“Để thành công trong chuyển đổi số ngành Thuế, Hải quan, yếu tố đóng vai trò quyết định là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế, hải quan với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan. Cùng với đó là sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Hải quan” - ông Nguyễn Bắc Hà khuyến nghị.