Chiều 2/11, tại Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Định giá sách giáo khoa và hàng hóa phục vụ an ninh quốc phòng

Theo tờ trình, sau 9 năm thực hiện, Luật Giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành khác có quy định về giá.

Luật Giá (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, Luật Giá phải quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò quản lý nhà nước; xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường; nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế, nhưng không bao cấp.

Phải tuân thủ đạo luật gốc về quản lý giá
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại Quốc hội.

Ngoài ra, Chính phủ cũng nhất quán nguyên tắc sửa Luật Giá, đó là: khắc phục những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 chương, 72 điều, so với luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về: quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Trong dự thảo luật, chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá được dư luận quan tâm.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tại nội dung chính sách đã đề xuất giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục trên cơ sở các nguyên tắc được quy định tại luật nhằm tăng cường sự linh hoạt trong thực tiễn triển khai.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vấn đề này cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau ngay trong khâu xây dựng chính sách. Khi tiến hành soạn thảo luật, trên cơ sở đánh giá kỹ hơn cho thấy để có thể khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua thì giải pháp tối ưu là vẫn tiếp tục kế thừa để quy định chi tiết Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tại Luật Giá, gắn với đó là quy định rõ hình thức, thẩm quyền trách nhiệm định giá của các cấp cơ quan quản lý (tương tự như danh mục tại Luật Phí, lệ phí). Trường hợp phát sinh phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ sẽ do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Danh mục ban hành kèm theo luật sẽ gồm 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ

Trong tổng số 52 nhóm hàng hóa dịch vụ hiện hành, Chính phủ rà soát đưa ra khỏi Danh mục 14 loại và đề nghị bổ sung 2 loại hàng hóa, dịch vụ, gồm: Sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Như vậy, Danh mục ban hành kèm theo Luật sẽ gồm 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tiến hành rà soát, cập nhập Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá hiện đang được quy định tại Luật Giá và các luật chuyên ngành gồm 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó: 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại Luật Giá hiện hành; 35 nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện được quy định tại luật chuyên ngành.

“Qua rà soát, đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá đã đề ra tại luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Về chính sách bình ổn giá, tại luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết (Điều 19) để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện; đồng thời tại Điều 20 đã cụ thể hóa dấu hiệu để nhận diện các trường hợp áp dụng bình ổn giá; quy định cơ chế để xử lý tình huống hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn nhưng chưa có trong danh mục để áp dụng trong các trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai.

Áp dụng bình ổn giá không được trái quy luật thị trường

Sau báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).

Theo Ủy ban TCNS, đây là đạo luật gốc về quản lý giá, có chức năng quy định những nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá. Vì vậy, ủy ban này đề nghị, các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại luật này. Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo và bảo đảm thống nhất giữa các quy định trong chính Luật Giá.

Luật Giá (sửa đổi) khắc phục các lỗ hổng trong chính sách quản lý về giá
Sẽ định giá đối với mặt hàng sách giáo khoa. Ảnh: TL.

Về bình ổn giá, theo Ủy ban TCNS, đây là vấn đề quan trọng trong quản lý giá. Đến nay đã có nhiều quốc gia ban hành luật có nội dung bình ổn giá. Ủy ban TCNS cho rằng, việc Nhà nước có biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường đối với một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến đời sống người dân và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm bình ổn trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung - cầu; điều hòa sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức lưu thông hàng hóa; áp dụng các giải pháp về tài chính, tiền tệ linh hoạt. Đối với một số mặt hàng cần có khung giá phù hợp; kiểm soát tốt biến động giá từ đó kiềm chế lạm phát hoặc giảm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường. Đồng thời, hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ.

Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành, theo đó quy định cụ thể trong luật danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; trong trường hợp cần điều chỉnh danh mục, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Một số ý kiến tán thành với dự thảo luật, theo đó giao Chính phủ quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá vì bình ổn giá liên quan đến công tác điều hành về giá và biến động của thị trường./.

Đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau: đề nghị giữ và bỏ quỹ. Theo báo cáo của Chính phủ, trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu; đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ.

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban TCNS cho rằng, việc quy định về Quỹ bình ổn giá nói chung, cần đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn, làm rõ ưu điểm, nhược điểm. Chỉ thành lập quỹ trong trường hợp bất khả kháng; xác định rõ trường hợp thành lập, điều kiện thành lập; việc thành lập quỹ cần có mục tiêu, thời hạn và giải thể quỹ khi hoàn thành mục tiêu.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì quỹ./.