Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện nghị định đã có nhiều tồn tại, vướng mắc cần sửa đổi, khắc phục.

Một số quy định còn thiếu

Bộ Tài chính cho biết, qua thực hiện rà soát các quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ- CP (NĐ 70) và tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương cho thấy, việc triển khai NĐ 70 đã thu được những kết quả ban đầu, song vẫn còn tồn tại, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ
Sau 3 năm thực hiện, NĐ 70 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ảnh minh họa

Đơn cử như về phạm vi điều chỉnh, NĐ 70 được áp dụng đối với tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN) đạt tiêu chuẩn là tài sản cố định; chưa có quy định xử lý đối với tài sản không đủ điều kiện, tiêu chuẩn là tài sản cố định.

Trong khi đó, Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 đã bổ sung quy định về trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng NSNN cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ thì phạm vi áp dụng của NĐ 70 cần phải được rà soát lại và bổ sung.

NĐ 70 được áp dụng đối với tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN đạt tiêu chuẩn là tài sản cố định; chưa có quy định xử lý đối với tài sản không đủ điều kiện, tiêu chuẩn là tài sản cố định

Hay như về hình thức xử lý tài sản trang bị khi kết thúc nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước, NĐ 70 quy định hình thức xử lý tài sản là ghi tăng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (DN) đối với tổ chức chủ trì là DN 100% vốn nhà nước hoặc DN có một phần vốn nhà nước trong trường hợp DN chấp nhận điều chỉnh cơ cấu vốn.

Tuy nhiên, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật 69/2014/QH13) chỉ có quy định DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên được chuyển đổi từ DN nhà nước. Do đó, cần rà soát, sử đổi lại quy định này tại NĐ 70 để phù hợp với quy định tại Luật 69/2014/QH13.

Về xử lý tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và thực tế phát sinh cho thấy, nhiều trường hợp tổ chức, chủ trì thực hiện nhiệm vụ không có nhu cầu được giao tài sản hoặc giao quyền sử dụng tài sản là kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp mà không có quy định giao tài sản cho đối tượng khác. Trong khi đó, có các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội (không phải là tổ chức, cá nhân chủ trì) có nhu cầu nhận giao tài sản để quản lý, sử dụng, khai thác theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Bổ sung các quy định, hoàn thiện cơ sở pháp lý

Từ thực tế còn nhiều tồn tại, vướng mắc khi thực hiện NĐ 70, Bộ Tài chính đang có tờ trình Chính phủ về việc xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 70 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ
Hoàn thiện cơ sở pháp lý trong quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ. Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng nghị định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bổ sung quy định về các vấn đề chưa có quy định điều chỉnh, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 70 sẽ được bổ sung quy định: Đối với tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước thuộc trường hợp quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 không thuộc phạm vi điều chỉnh tại nghị định này. Đối với tài sản được xác định là tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ quy định tại nghị định này và quy định về tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để quy định việc quản lý, sử dụng đối với tài sản này.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thời gian vừa qua.

Về giao tài sản là kết quả của nhiệm vụ KHCN, dự thảo nghị định cũng có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiến. Theo đó, đối với nhiệm vụ KHCN ngân sách cấp, dự thảo nghị định bổ sung quy định giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng kết quả của nhiệm vụ KHCN được xác định cụ thể tại quyết định giao nhiệm vụ KHCN của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về KHCN.

Trường hợp chưa xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng kết quả của nhiệm vụ KHCN hoặc có sự thay đổi về đối tượng thụ hưởng thì việc xử lý tài sản được thực hiện như sau: Giao quyền sử dụng theo hình thức ghi tăng tài sản cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

Tổ chức được giao quyền sử dụng thực hiện quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật về tài sản công và pháp luật có liên quan. Bỏ quy định giao quyền sử dụng cho các đối tượng này để nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu như quy định tại NĐ 70…

Đối với nhiệm vụ KHCN ngân sách hỗ trợ, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về xử lý tài sản theo một trong 2 phương án.

Phương án 1 (trên cơ sở báo cáo của Bộ KHCN): giao quyền sở hữu không bồi hoàn phần giá trị tài sản thuộc về Nhà nước cho tổ chức, cá nhân chủ trì đối với nhiệm vụ KHCN thuộc nhiệm vụ được nhà nước hỗ trỡ không thu hồi vốn theo quy định của pháp luật về KHCN hoặc đối với chương trình KHCN theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ có quy định về việc Nhà nước chuyển giao không bồi hoàn phần giá trị tài sản thuộc về Nhà nước.

Phương án 2, thực hiện như hiện hành nhưng có bổ sung quy định cụ thể về cách xác định mức tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ…

Theo Bộ Tài chính, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị định phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thời gian vừa qua./.

(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)