Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 đòi hỏi nỗ lực rất lớn
(TBTCO) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nếu tính cả việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10 % xuống 8% trong năm 2024, dự toán thu ngân sách năm 2024 sẽ là 1.757.900 tỷ đồng, tăng 8,46 % so với ước thực hiện năm 2023. Đây là một chỉ tiêu đòi hỏi rất nỗ lực, đặc biệt khi đã bố trí chi xây dựng cơ bản tới 32% tổng chi ngân sách.

“Tại sao giải ngân thấp trong khi nền kinh tế khát vốn?”

Phát biểu giải trình một số nội dung tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 2/11 về tình hình ngân sách và đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Chính phủ trong thời gian qua đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Theo đó, Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa thâm hụt, giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 đòi hỏi nỗ lực rất lớn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp

Nền tài chính vững mạnh phải dựa trên một nền kinh tế phát triển

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một nền tài chính vững mạnh phải dựa trên một nền kinh tế phát triển. Nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 8, Bộ trưởng cho biết, trong 9 tháng đầu năm kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Đây là tổng kết hết sức chính xác về nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng khẳng định.

Trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, trình Quốc hội giảm nhiều loại thuế, tiền thuế đất. Cụ thể, năm 2021 đã giảm được 132.400 tỷ đồng, năm 2022 giảm 233.000 tỷ đồng và năm nay dự kiến giảm khoảng 200.000 tỷ đồng. Nêu rõ đây là một nỗ lực rất lớn, Bộ trưởng cho biết sau khi giảm thuế vẫn phải đảm bảo cán cân tài khóa, đảm bảo đưa vào nền kinh tế nguồn lực 347.000 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi kinh tế, theo Nghị quyết 43.

Về dự toán ngân sách năm 2023, theo Bộ trưởng, đến ngày 30/10 thu ngân sách đã đạt 85%, tương đương 1.366.000 tỷ đồng. Trước một số ý kiến đại biểu cho rằng thu tăng nhiều từ tiền đất, Bộ trưởng giải thích thu tiền đất chỉ đạt 57,8%, là khoảng 86.482 tỷ đồng. Các khoản thu dầu thô cũng chiếm phần nhỏ, khoảng 46.000 tỷ đồng, tương đương 2,6% tổng thu ngân sách. Do đó, thu ngân sách chủ yếu là từ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa.

Phân tích thêm về khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng chỉ ra rằng nếu hoàn thiện pháp luật tốt thì tăng trưởng sẽ mạnh hơn nhiều, nền kinh tế bền vững hơn và doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng nêu một số ví dụ như việc tính giá đất, rất không thống nhất. Hay Luật Quy hoạch sau hơn nửa nhiệm kỳ vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch cấp tỉnh. Giải ngân vốn đầu tư công đến hôm nay mới được 57%, nếu tính cả kế hoạch theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh thì mới được 52%.

“Tại sao giải ngân thấp thế trong khi nền kinh tế khát vốn. Đây có phải là vướng mắc từ Luật Đầu tư công không? Nếu không sửa luật thì chúng ta vẫn cứ tiếp tục bàn lại về giải ngân đầu tư công” - Bộ trưởng nêu vấn đề.

Một số vướng mắc cụ thể trong đầu tư công được Bộ trưởng nêu ra như: một số dự án trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế không giao được vốn chứ đừng nói đến giải ngân, chẳng hạn như gói 14.000 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế của các phường, xã. Hay có dự án thuộc sân bay Long Thành, công trình trọng điểm quốc gia, đến hôm nay cũng chưa giao được vốn, vì dự án chưa được phê duyệt… Trong khi đó không thể lấy chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư, vì như vậy sai quy định.

Luật Đầu tư công phải mở ra, phải đa dạng hóa nguồn vốn, quy định chủ yếu trình tự, thủ tục, Bộ trưởng đề nghị và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật.

Tiết kiệm hơn nữa trong chi đầu tư

Liên quan đến dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, lãnh đạo ngành Tài chính đánh giá đây là một nỗ lực lớn. Nếu tính cả việc thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và giảm thuế GTGT từ 10 % xuống 8% trong năm 2024, dự toán thu ngân sách năm 2024 sẽ là 1.757.900 tỷ đồng, như vậy là tăng được 8,46 % so với ước thực hiện của năm 2023.

“Đây cũng là một chỉ tiêu rất nỗ lực, đặc biệt chúng tôi đã bố trí chi xây dựng cơ bản tới 677.300 tỷ đồng, tức là chiếm 32 % trong tổng chi ngân sách” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết. Cùng với đó, năm 2024 cũng phải bố trí nguồn lực để thực hiện chủ trương cải cách tiền lương, trong đó có nâng lương cơ sở từ 1/7/2024.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 đòi hỏi nỗ lực rất lớn
Phiên họp Quốc hội sáng 2/11.

Giải trình một số ý kiến đại biểu về vướng mắc của các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, vấn đề là phải cải cách từ việc phân bổ, để cho các huyện làm. Chi đầu tư chỉ chi cho công trình hạ tầng kỹ thuật, ví dụ như điện, đường, trường, trạm… còn lại đưa hết vào chi thường xuyên, như chi sinh kế, nhà cho người nghèo, khoa học giáo dục, y tế, các khoản chi hỗ trợ đất ở... Có như vậy mới giải quyết được vướng mắc lâu nay.

Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trả lời về một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là hoàn thuế GTGT. Theo Bộ trưởng, hiện đã hoàn được đến 92%, đã giải quyết 14.857 hồ sơ và đang giải quyết 534 hồ sơ, với khoảng trên 9.154 tỷ đồng nữa. Điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn GTGT, chứng từ chuyển tiền, với các cái công ty xuất nhập khẩu thì có thêm hợp đồng, chứng từ chuyển tiền, tờ khai hải quan… Trong quá trình xử lý, Bộ trưởng cho biết đã xảy ra một số vướng mắc mà đã để lại những bài học đau xót.

Ngoài ra, trong quá trình góp ý, một số đại biểu nêu ý kiến đề nghị tiết kiệm hơn nữa chi thường xuyên. Đối với nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm là phải tiết kiệm hơn nữa trong chi đầu tư, đầu tư phải hiệu quả, không để lãng phí, thất thoát. Còn với chi thường xuyên, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết đã “rất tiết kiệm”, nguồn chi chủ yếu phục vụ con người, riêng chi lương, phụ cấp đã chiếm 66%, chi tiếp khách, công tác… hiện rất ít.

Liên quan đến đề nghị giảm thuế GTGT 2% cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ, Bộ trưởng cho biết theo đúng quy định Nghị quyết 43 là một số ngành nghề không được giảm, chẳng hạn như kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng… “nếu giảm nhiều quá cũng gây áp lực lên ngân sách”.

Dự toán thu NSNN năm 2024 Chính phủ đề xuất là khoảng 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng 80,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 5%) so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3% GDP. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phương án dự toán thu tăng 5% so với số ước thực hiện năm 2023 là khá tích cực trong bối cảnh dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6% - 6,5%, lạm phát khoảng 4% - 4,5%.

 

(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)

Tin Mới
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
   THÔNG TIN LIÊN HỆ
  Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
  Sở Tài Chính tỉnh Nam Định
Giấy phép của Sở TT&TT số 22/GP-STTTT ngày 30/8/2017
  415 - Đường Hàn Thuyên -  Thành phố Nam Định - Tỉnh nam Định
  Tel: 0228.3637923
  Email: sotaichinh-namdinh@chinhphu.vn
  Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang