Để xã hội số trở thành trụ cột vững chắc cho quá trình chuyển đổi số

Theo tài liệu Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông thì xã hội số (XHS) với nghĩa hẹp là việc đưa công nghệ số, áp dụng những giải pháp số vào cuộc sống hàng ngày, từ đó dần tạo ra những công dân số và văn hoá số. Để đạt kết quả cao trong xây dựng XHS trở thành một trong ba trụ cột vững chắc cho quá trình chuyển đổi số (CĐS), các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã chú trọng thúc đẩy ứng dụng các giải pháp số trong mọi lĩnh vực, nhất là trong các hoạt động quan trọng và thiết thực như giáo dục, y tế, tài chính, cung ứng và sử dụng dịch vụ hành chính công...

anh tin bai

Cán bộ xã Kim Thái (Vụ Bản) hướng dẫn người dân ứng dụng thanh toán điện tử để nộp phí dịch vụ công.

Chị Hoàng Thu Hà, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) phấn khởi vì gần đây không còn phải lo sắp xếp thời gian đến gặp trực tiếp cô giáo chủ nhiệm để nộp tiền học phí cho con hoặc sốt ruột chờ nhà trường phản hồi con đã nộp tiền nếu đưa cho con mang đến lớp nộp. Hiện nay, chị chỉ cần cài 1 app về quản lý nhà trường, hàng tháng sẽ nhận được thông báo các khoản phải nộp; đến lịch thì chuyển tiền đến tài khoản nhà trường cung cấp. Mọi thao tác chỉ mất vài phút. Cách làm này không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí in ấn sao kê tài chính của hàng nghìn phụ huynh học sinh và các trường học trên địa bàn mà còn công khai, minh bạch các khoản chi phí, tránh lạm thu, lạm chi và những rủi ro không đáng có so với cách nộp tiền truyền thống trước đây. Cùng với ngành Giáo dục, ngành Y tế cũng đã triển khai các dịch vụ hỗ trợ người dân khai báo lý lịch, nhân thân và thanh toán chi phí thông qua ứng dụng bảo hiểm y tế điện tử, sổ sức khỏe điện tử và thanh toán điện tử. Việc thực hiện đồng bộ các ứng dụng này đã rút ngắn thời gian khi làm thủ tục khám, chữa bệnh, rất quan trọng đối với bệnh nhân cấp cứu. Bệnh nhân sau khi khám bệnh chỉ việc quét mã QR thanh toán trực tiếp tại phòng khám, không cần đến điểm thanh toán của bệnh viện, cũng không phải chờ đợi như trước nên giảm được rất nhiều áp lực đối với cả người dân và các cơ quan, doanh nghiệp. Áp dụng thanh toán qua tài khoản ngân hàng, mã QR không dùng tiền mặt giúp quy trình thanh toán đơn giản, nhanh gọn, dễ dàng kiểm soát nguồn thu, giảm áp lực cho nhân viên thu phí và tạo sự hài lòng của người dân.

Để có được sự hài lòng của người dân trong cung cấp dịch vụ hành chính công, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn lựa chọn các dịch vụ số tiện ích nhất đưa vào ứng dụng để cung cấp cho người dân khi cần sử dụng, giúp người dân dễ dàng tương tác giao dịch với chính quyền, doanh nghiệp. Do đó, trụ cột XHS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bước đầu được hình thành khá rõ nét ở tất cả các “chân kiềng” công dân số, cuộc sống số và thương mại số. Trong đó để tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, hình thành lực lượng công dân số được đẩy mạnh thông qua việc các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển các kênh kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân truy cập các dịch vụ trực tuyến và giao dịch điện tử như: Truy cập hồ sơ y tế, bảo hiểm xã hội, cấp hộ chiếu hoặc giấy phép kinh doanh, nộp thuế... Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2022, tỉnh đã tiếp tục nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống phần mềm của các bộ, ngành Trung ương và triển khai các dịch vụ mới như: Chứng thực điện tử, khai sinh, khai tử, kết hôn điện tử... Toàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết theo đúng quy định hơn 16 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính từ Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Năm 2022, xếp hạng bộ chỉ số phục người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; riêng quý IV đứng thứ 2; trong tháng 12 đứng thứ nhất toàn quốc. Trên 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS; trên 3.300 doanh nghiệp sử dụng nền tảng số; gần 6.000 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử và hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Đồng thời xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đến đầu năm 2023, tại tỉnh có gần 177 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp với khoảng 2.200 sản phẩm đang giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Voso và Postmart. Bên cạnh đó hàng nghìn cơ sở chuyên doanh, tiểu thương đã áp dụng phần mềm bán hàng trực tuyến và các ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Con số này tăng gấp nhiều lần so với năm 2021, khẳng định hiệu quả và xu hướng tất yếu của việc số hóa thị trường bán lẻ truyền thống. Thói quen tiêu dùng của người dân cũng có sự dịch chuyển lớn từ mua sắm trực tiếp tại các điểm bán hàng sang mua sắm trực tuyến; giảm chi tiêu tiền mặt, thay bằng thanh toán điện tử với nhiều hình thức (sử dụng thẻ ngân hàng, chuyển khoản, ví điện tử…), tăng cường sử dụng mạng xã hội, truy cập các website, sàn thương mại điện tử để lựa chọn hàng hóa trực tuyến. Với những giải pháp đồng bộ, năm 2022 chỉ số trụ cột XHS của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực trong bảng xếp hạng chỉ số đánh giá CĐS chung toàn quốc và gia tăng sự cân đối giữa 3 trụ cột: chính quyền số, XHS, kinh tế số.

Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời phát hiện các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới; rà soát những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước gây cản trở tiến trình CĐS để sửa đổi, bổ sung, tạo khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi cho các mô hình mới cùng hoạt động, phát triển. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng số cho người dân thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng nhằm chuyển đổi và nâng cao nhận thức về xây dựng XHS trong toàn xã hội. Các sở, ngành và các địa phương thực hiện tốt công tác quản trị XHS, nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề góp ý, kiến nghị của người dân về chất lượng dịch vụ công, tạo niềm tin cho người dân tham gia xây dựng chính quyền và giải quyết các vấn đề của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng… góp phần phát huy vai trò trụ cột XHS trong lộ trình CĐS toàn diện của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và đóng góp vào thành công chung của CĐS quốc gia./.

(Theo baoNamDinh.vn)

Tin Mới
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
   THÔNG TIN LIÊN HỆ
  Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
  Sở Tài Chính tỉnh Nam Định
Giấy phép của Sở TT&TT số 22/GP-STTTT ngày 30/8/2017
  415 - Đường Hàn Thuyên -  Thành phố Nam Định - Tỉnh nam Định
  Tel: 0228.3637923
  Email: sotaichinh-namdinh@chinhphu.vn
  Designed by VNPT Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang